Người dùng chúng ta luôn bị nhà sản xuất định hướng hay đánh tráo khái niệm bằng những thông số “khủng” họ thường show ra để PR cho sản phẩm. Cũng từ đó mà những quan niệm về gaming gear ra đời nhưng trên thực tế lại không hề chính xác. Những sai lầm đó là gì?
- DPI chuột càng cao càng chính xác:
Đây là một sự đánh tráo khái niệm mà khó có thể phát hiện từ nhiều năm về trước (mà đến tận bây giờ vẫn có người nhầm lẫn). Theo đó, DPI “cao” của chuột thời đó chỉ lên tới 1600DPI và phân giải màn hình tối đa chỉ ở mức SXGA (1280×1024) xuất hiện trên các màn hình “vuông”. Với DPI cao, người dùng sẽ không phải khổ sở như khi dùng các chuột phổ thông 400-450 DPI và phải kéo độ nhạy chuột trong Windows vượt ngưỡng 6/11, dẫn đến đường di chuột bị bỏ qua điểm ảnh (skip pixel), và đương nhiên là sẽ mất đi sự chính xác khi từng điểm ảnh trên màn hình đều cần được tận dụng khi chơi game.
DPI – dots per inch, chỉ đơn giản là số điểm ảnh mà trỏ chuột di chuyển trên màn hình tương ứng với 1 inch (2,54cm) chuột di chuyển ngoài thực tế. Đây chỉ đơn giản là thông số về tốc độ chuột chứ hoàn toàn không có tác dụng tăng độ chính xác, DPI cao thì phục vụ di chuột trên màn hình có độ phân giải lớn một cách thoải mái hơn
Đó là lý do vì sao đôi lúc cùng một tốc độ chuột và ở trên 2 màn hình 25″ bạn sẽ cảm thấy chuột ở màn này nhanh hơn trong khi ở màn còn lại chậm hơn, vì 1 màn có phân giải là FullHD, và 1 màn là QuadHD. Có một khái niệm khác về DPI mà anh em game thủ chúng ta cũng cần biết ở thời đại này đó là Native DPI hay còn gọi là DPI thực. Về mức DPI thực tối đa chuột có thể đáp ứng thì nhà sản xuất cảm biến không bao giờ công bố (hoặc có thì cũng là nói dối cả). DPI thực là mức DPI không bị nội suy, không bị hiện tượng bỏ qua điểm ảnh. Có những loại chuột DPI cao nhưng sử dụng ở mức cao đó luôn cho cảm giác di rất khó chịu, hoặc cùng một DPI có chuột lại mượt, có chuột lại cho đường di “nhảy cóc”, đó chính là sự khác nhau giữa DPI thực và DPI đã bị nội suy
- Tai nghe 7.1 giúp nghe chuẩn tiếng chân địch:
Một quan niệm sai lầm phổ biến khác như tiêu đề đã nêu. Trên thực tế, nếu bạn muốn âm thanh vòm 7.1 chuẩn xác tiếng chân địch trong game thì đầu tư một dàn “loa thùng” có giá tính bằng hàng trăm triệu hay hàng tỉ đồng sẽ giúp bạn việc đó. Còn những tai nghe giả lập 7.1 thì vẫn chỉ là giả lập, chức năng phân tách các dải âm hay nắm bắt vị trí của âm thanh (âm hình) sẽ không được hoàn thiện, trên thực tế âm thanh Stereo của tai nghe còn cho âm hình tốt hơn, độ chính xác cao hơn.
Những tai nghe gaming 7.1 thực mà đại diện cho gaming như Razer Tiamat 7.1 dù có rất nhiều loa nhưng rốt cuộc âm hình vẫn không thể “bắt dính” được như một tai nghe Stereo Sennheiser Game Zero thần thánh. Có thể là Tiamat tệ thật, nhưng cũng có thể là hạn chế của công nghệ 7.1 áp dụng lên tai nghe. Cho dù là thế nào thì cho tới thời điểm năm 2019 hiện tại, các tai nghe 7.1 vẫn không thể cho âm hình “ngon” hơn một tai nghe Stereo cao cấp.
- Bàn phím cơ tuổi thọ 70 triệu lần bấm:
Rốt cuộc thì chắc chẳng có ai kiểm chứng được con số 60 triệu này. Bàn phím cơ sử dụng CherryMX switch luôn được quảng cáo tuổi thọ cho lượt bấm lên đến 50 triệu, rồi một loạt các bên “custom” khác đua nhau quảng cáo canh tranh với con số 60 triệu hay hy hữu là 80 triệu. (!) Có thể tuổi thọ lên tới như vậy thật, nhưng trong quá trình sử dụng có chắc những hãng đó đảm bảo cho chúng ta không bị những lỗi vặt như bấm lệch trục, phím nặng phím nhẹ, tín hiệu chập chờn, double-click,… hay không? Phím cơ đó sẽ không “chết” nhưng lại “sống dở chết dở” thì thật sự là đáng buồn.
Thật ra những quan niệm sai lầm được hình thành qua một quãng thời gian phát triển dài tới 14-15 năm của thế giới gaming gear Việt Nam thì còn nhiều lắm, nhưng tôi chỉ tạm tổng hợp 3 sai lầm cơ bản nhất ở trên thôi. Nếu có dịp tôi sẽ viết thêm nhiều phần khác để vén màn thêm nhiều cái sự “bị lừa” của các bạn, và cũng để nhớ lại cả quãng thời gian chính bản thân cũng bị lừa đau đớn như thế nào.
Xem thêm:
Comments